Câu lạc bộ hươu cao cổ - nhật ký cách ly 1

>> Trong những ngày VinWonder Nam Hội An tạm ngưng đón khách, đã bao giờ bạn tự hỏi những cư dân River Safari làm gì để “giết thời gian” chưa? Series “Cách ly thì làm gì” sẽ giải đáp mọi thắc mắc của bạn.

Mở hàng cho series này sẽ là gia đình siêu mẫu: Hươu cao cổ

- Sáng sáng tụi mình sẽ dậy thật sớm để tắm nắng, không lười biếng ngủ nướng đâu. Tắm nắng bổ sung vitamin D cho xương chắc khoẻ và làn da rám nắng rắn rỏi

hươu cao cổ vinwonders nam hội an 1

- Nếu trước đây công việc hàng ngày là cần mẫn đi catwalk cho các bạn hoooooo-man ngắm thì bây giờ chúng mình dành thời gian tập thể dục giữ dáng để khi công viên mở cửa trở lại. Chứ cứ ăn rồi ngủ, hết cách ly tăng vài chục cân mập thù lù, bị các bạn cười thì xấu hổ lắm

hươu cao cổ vinwonders nam hội an 2

- Ngoài tập luyện thì chế độ ăn cũng góp phần quan trọng để có thân hình siêu mẫu 6m12 đó.
Thực đơn chính của chúng mình luôn có rất nhiều rau xanh. Các bạn nhỏ mà muốn cao lớn khoẻ mạnh thì phải ăn hết phần rau xanh mà mẹ chuẩn bị nhé!

hươu cao cổ vinwonders nam hội an 3

Đấy là 3 hoạt động chính trong những ngày chúng mình phải tạm “cách ly xã hội” đó. Hy vọng những ngày này sẽ trôi qua nhanh để sớm được gặp các bạn. Chúng mình nhớ các bạn lắm!

10 điều thú vị về hươu cao cổ - tên khoa học Giraffa

1 . Hươu cao cổ là động vật có vú cao nhất thế giới. Hươu cao cổ cái cao khoảng 4,5m trong khi hươu cao cổ đực cao khoảng từ 5đến 6m. Chân của một con hươu cao cổ bình thường đã cao hơn rất nhiều người, khoảng 1,8m

2. Hươu cao cổ chỉ dành khoảng 10 phút đến 2 tiếng để ngủ mỗi ngày. Chúng có giấc ngủ ngắn nhất trong tất cả các loài động vật có vú. Theo nghiên cứu, hươu cao cổ có thể ngủ ngay cả khi đứng, mặc dù theo các nhà khoa học, có lẽ hươu cao cổ thích ngồi xuống để nghỉ ngơi hơn. Tuy vậy, khi làm điều đó, hươu cao cổ ở vị thế dễ bị tổn thương nhất. Khi đứng, chúng có thể quan sát rộng khắp và cú đá mạnh mẽ chỉ thực hiện được khi đứng của chúng là kỹ năng phòng thủ mạnh nhất chống lại kẻ thù

3. Hươu cao cổ con mới sinh đã nặng khoảng 100kg và dù là hươu cao cổ sơ sinh, chúng cũng cao hơn hầu hết con người, khoảng 2m. Đặc biệt, do hươu cao cổ mẹ sinh đứng nên hươu cao cổ sơ sinh phải chịu một sự chào đón khá thô lỗ khi đến với thế giới, chúng rơi thẳng từ khoảng 1,5m xuống đất

4. Mặc dù có kích thước to lớn nhưng hươu cao cổ có thể di chuyển cực kỳ nhanh chóng. Do chân dài, ngay cả khi đi bộ nhàn nhã, hươu cao cổ cũng có tốc độ 16km/h. Khi phi nước đại, hươu cao cổ có thể chạy nhanh hơn cả ngựa. Tốc độ tối đa của hươu cao cổ là 56km/h. Hươu cao cổ cũng rất thành thạo trong nghệ thuật tự vệ, đến mức mà ngay cả sư tử cũng chỉ dám tấn công chúng khi đi theo đàn. Chân hươu cao cổ rất mạnh mẽ, chúng có thể đá ở bất kỳ hướng nào và theo nhiều cách. Lực sinh sản từ cú đá của hươu cao cổ có thể đá bay đầu một con sư tử. Không ngạc nhiên khi có rất ít kẻ thù muốn làm phiền một con hươu cao cổ khổng lồ

5. Lưỡi của hươu cao cổ thực sự rất lớn, nó dài đến 45cm và đặc biệt thích nghi để hươu cao cổ lấy những thức ăn vô cùng gai góc nhưng lại rất ngon miệng trên cây, chẳng hạn như Acacias. Lưỡi và môi trên của hươu cao cổ cũng có năng lực cầm nắm, có nghĩa là chúng hoạt động giống như một bàn tay hoặc như ngà voi. Đồng thời, lưỡi hươu cao cổ cũng có màu xanh đen, giúp bảo vệ chính bộ phận này khỏi bị cháy nắng vì tần suất thè lưỡi ra để ăn nhiều giờ trong ngày. Hươu cao cổ cũng sản xuất được nước bọt vô cùng dính để bao bọc quanh những thực phẩm gai góc, giúp thực phẩm trượt xuống thực quản mà không gây hại.

6. Bởi vì hình dạng khác thường của mình, hươu cao cổ cũng có những khó khăn nhất định trong việc bơm máu lên não. Chúng có một trái tim rất lớn, nặng khoảng 11kg, chu vi khoảng 60cm

7. Hươu cao cổ có huyết áp gần như cao gấp đôi so với con người, thành động mạch đàn hồi rất chắc chắn giúp ngăn chặn máu rút xuống quá nhanh, các tĩnh mạnh cảnh ở cổ cũng giúp hạn chế dòng chảy ngược lại của máu. Ngoài ra, các tế bào máu nhỏ hơn cho phép cũng giúp hấp thu oxy nhanh hơn, đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy khắp cơ thể

8. Bởi quá cao lớn, khi uống nước hươu cao cổ cũng gặp không ít khó khăn, nguy hiểm. Khi nó cúi đầu để uống nước, huyết áp của hươu cao cổ bị dồn xuống do ảnh hưởng của lực hấp dẫn. Nếu không có một loạt các cơ chế thông minh làm việc phối hợp với nhau trong cơ thể, hươu cao cổ có thể chết bất đắc kỳ tử. Khi đầu bị hạ xuống, các nhánh rẽ đặc biệt trong các động mạch sẽ hoạt động để hạn chế lưu lượng máu đến não, mạng lưới này sẽ nhẹ nhàng mở rộng để thích ứng đồng thời van tĩnh mạch cảnh cũng ngăn trở máu chảy ngược lại. Tất cả những điều này được kiểm soát bởi một loạt các cơ chế phức tạp hoạt động liên tục để theo dõi và điều chỉnh áp suất trong mạch máu nhằm đảm bảo sự an toàn của hươu cao cổ

9. Có một thời gian, các nhà khoa học cho rằng chỉ có một loài hươu cao cổ, chia thành chín phân loài. Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới, có tới bốn nhóm hươu cao cổ không lai và trao đổi vật liệu di truyền trong hàng triệu năm qua. Căn cứ theo tiêu chí này, hươu cao cổ được phân làm 4 loài, bao gồm: Hươu cao cổ phía Nam (Giraffa giraffa), Hươu cao cổ Masai (Giraffa tippelskirchi), Hươu cao cổ mặt lưới (Giraffa reticulata), Hươu cao cổ phía bắc (Giraffa camelopardalis)

10. Tên khoa học của hươu cao cổ là Giraffa camelopardalis, xuất phát từ niềm tin của người Hy Lạp cổ đại cho rằng loài động vật này giống như một sinh vật lai tổng hợp, là một con lạc đà khoác lên mình bộ da của một con báo

Đăng bởi :Vinwonders Hội An
Địa chỉ : Bình Minh - Thăng Bình - Hội An - Quảng Nam
Hotline :0567389888